Windows XP sau ngày 8/4

 

Windows XP không còn an toàn!

 

Hàng trăm triệu máy tính trên khắp thế giới dễ trở thành mục tiêu tấn công sau khi Microsoft ngừng hỗ trợ hệ điều hành Windows XP từ ngày 8/4 tới.

Theo các chuyên gia, tin tặc từ lâu đã nắm được cá lỗ hổng trong Windows XP và chỉ đợi thời cơ để khai thác chúng, đó chính là khi Microsoft ngừng phát hành bản vá bảo mật cho nền tảng kể từ ngày 8/4. Adam Meyers, Phó Chủ tịch tại hãng bảo mật Crowdstrike, cho rằng tiếp tục sử dụng Windows XP, nền tảng đã 12 tuổi, là vô cùng nguy hiểm vì sau ngày 8/4, người dùng không thể tự phòng vệ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông khẳng định sẽ không dùng XP sau thời hạn này.
Quyết định ngừng cung cấp bản vá hay hỗ trợ kỹ thuật cho XP đã được Microsoft thông báo từ 6 năm trước. Hiện còn 1/3 máy tính trên thế giới hay khoảng 500 triệu máy vẫn dùng XP. Trên webiste, Microsoft treo đồng hồ đếm ngược đến ngày 8/4 cùng lời cảnh báo không phần mềm diệt virus nào có thể bảo vệ máy tính Windows XP trước các phần mềm gián điệp, độc hại nhăm nhe đánh cắp hay làm tổn hại đến dữ liệu kinh doanh. Phát ngôn viên của Microsoft kêu gọi người dùng nâng cấp lên Windows 7 hoặc Windows 8.1 trị giá 120 USD.
Nhiều tổ chức quan trọng đang đối diện với nguy cơ bảo mật từ tháng tới vì vẫn dùng hệ điều hành lỗi thời. Ví dụ, theo báo Washington Post, hàng trăm ngàn máy tính của chính phủ liên bang Mỹ còn sử dụng Windows XP, bao gồm nhiều máy chứa thông tin ngoại giao, quân sự tối mật. Patrick C. Miller, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Energy Sector Security cho biết khoảng một nửa trong 4.000 nhà máy điện tại Bắc Mỹ vẫn dùng máy tính Windows XP. Để nâng cấp, các cơ sở này cần tới hàng triệu USD trong vài năm, ngoài ra còn phải hỏi ý kiến ủy ban liên bang.</p>
Lo ngại lớn nhất của ông là việc hacker có thể tấn công lỗ hổng chưa được vá gây mất điện trên diện rộng vào một ngày hè nóng nực và không thể biết sự cố kéo dài bao lâu vì chưa có giải pháp từ Microsoft.
Theo Nadya Bartol, chuyên gia an ninh mạng tại một tổ chức viễn thông Mỹ, mạng lưới máy tính của phần lớn công ty đều có nhiều lớp bảo mật, do đó rủi ro bị tấn công phụ thuộc vào địa điểm đặt máy tính trong mạng lưới.
Ngoài ra, chỉ có 38% trong số 425.000 máy rút tiền của Mỹ sẽ nâng cấp từ Windows XP vào thời điểm ngày 8/4, theo tiết lộ của David Tente, Giám đốc Hiệp hội công nghiệp ATM. Nhiều ngân hàng thương lượng với Microsfot hoặc đồng ý trả phí hỗ trợ sau thời hạn 8/4, song nhiều kỹ thuật viên phải đến từng điểm ATM để thay thế phần mềm Windows lỗi thời bằng tay. Quy trình mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Máy ATM chạy Windows XP không gây rủi ro lớn cho người dùng song có thể khiến ngân hàng “khóc ròng” nếu hacker tìm ra cách tấn công.
Microsoft giới thiệu Windows XP vào năm 2001. Thời điểm đó, nền tảng nhận được nhiều đánh giá tích cực vì dễ sử dụng và hoạt động ổn định so với các phiên bản trước. Nền tảng có chỗ đứng trong hàng triệu máy tính một phần vì phiên bản kế tiếp Windows Vista gặp vô số vấn đề. Hiện tại, Microsoft đi theo xu hướng chung khi tập trung ít hơn vào máy tính để bàn và dồn sức cho thiết bị di động. Windows 8.1 vừa ra mắt bao gồm nhiều tính năng dành cho màn hình cảm ứng, được thiết kế cho cả tablet và desktop.
Tuy nhiên, ngay cả khi Microsoft làm mọi cách để thuyết phục người dùng nâng cấp phần mềm, công ty vẫn gặp khó khăn trong thời đại “hậu PC”.

Nhiều tháng sau khi Windows 8 ra đời, doanh số PC giảm 14%.

Theo ICTNews!